Thời gian gần đây, câu chuyện “cán bộ sợ trách nhiệm” được bàn thảo nhiều trên các diễn đàn; được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phê bình, nhắc nhở, chấn chỉnh nhiều lần trong các cuộc họp, các văn bản chỉ đạo. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đến tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm: cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình; cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác. Đồng chí chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là”. Đây là thực trạng rất đáng lo ngại, tác động tiêu cực đến sự vận hành của hệ thống cơ quan, tổ chức và trong thực thi công vụ. Nó làm cho công việc bị chậm trễ, ách tắc, chậm tiến độ; nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội không được giải quyết kịp thời... Cán bộ sợ trách nhiệm sẽ làm giảm sút năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; làm cản trở sự phát triển của đất nước; làm sa sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước... Đây là nguyên cớ để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Để khắc phục tình trạng trên, cần có cơ chế, chính sách đúng đắn và tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp: kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục và biện pháp hành chính, kỷ luật, kỷ cương; giữa quản lý, giáo dục, rèn luyện của tổ chức và ý thức tự học, tự rèn, tự tu dưỡng của bản thân cán bộ...
Tại buổi sinh hoạt, toàn thể đảng viên và quần chúng đã tập trung thảo luận, làm rõ thực trạng chung và đề ra các giải pháp cho chi bộ, đơn vị và mỗi cá nhân nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên trong chi bộ “tự soi, tự sửa”, nghiêm túc trong “tự phê bình và phê bình”, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng chi bộ, đơn vị đoàn kết, vững mạnh.
Phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Ủy viên BTV Chánh văn phòng Đảng ủy Khối đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung sinh hoạt, các ý kiến thảo luận của đảng viên trong chi bộ cơ bản đã bám sát nội dung chuyên đề, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đồng chí tin tưởng rằng thông qua đợt sinh hoạt chuyên đề sẽ góp phần nâng cao nhận thức, tư tưởng chính trị cho mỗi cán bộ, đảng viên từ đó vận dụng đúng đắn và hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của chi bộ, đơn vị.
Kết thúc buổi sinh hoạt, đồng chí Bí thư Chi bộ cho rằng, những biểu hiện của tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, viên chức đã được chỉ ra rất rõ. Tuy nhiên, để nhận diện các biểu hiện này trong quá trình thực thi công vụ là không dễ dàng. Và quan trọng nhất, vẫn là phải làm sao khắc phục được các tồn tại đã được nhận diện. Chính vì thế vai trò của Chi ủy, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị một lần nữa được nhấn mạnh, nhằm đảm đương vai trò truyền cảm hứng, truyền động lực, khát vọng cống hiến, cũng như bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.