Trung tuần tháng 8 và đầu tháng 9/2024, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang làm việc với các đơn vị chủ rừng là cộng đồng dân cư các thôn: Tà Un, Cần Đôn, La Bơ B - xã Chà Vàl; Thôn 56, 58 - xã Đắk Pre, thôn Pà Dấu 2 - thị trấn Thạnh Mỹ huyện Nam Giang để phối hợp, hỗ trợ việc cập nhật diễn biến rừng chi trả DVMTR từ kết quả giải đoán ảnh đợt 2..
Công tác kiểm tra diện tích rừng của thôn 58, xã Đắc Pre, Nam Giang
Tại buổi kiểm tra, Đoàn công tác đã tổng hợp kết quả rà soát, báo cáo cho các đơn vị Ban quản lý rừng phòng hộ, BQL Vườn Quốc gia, UBND xã, thị trấn và cộng đồng dân cư thôn về diễn biến rừng theo dữ liệu bên Quỹ cập nhật đợt 1; Quỹ tỉnh đã khuyến cáo, kiến nghị chủ rừng tổ chức kiểm tra xác minh tại hiện trường và lập hồ sơ cập nhật diễn biến báo cáo Hạt kiểm lâm; đồng thời nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cán bộ Kiểm lâm địa bàn và cán bộ phụ trách chi trả DVMTR của xã trong việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR.
Cũng tại buổi làm việc, đoàn công tác đã nghe và nắm bắt tình hình trong công tác bảo vệ rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện, đặc biệt là công tác chi trả DVMTR, công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và việc sử dụng máy móc, trang thiết bị bảo hộ cho bà con tại các địa phương cấp xã, cộng đồng dân cư thôn. Qua đó, đoàn công tác đã tổng hợp các ý kiến tham gia tại buổi chi trả nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại địa phương để đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi các nội dung, vấn đề để thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thuận lợi và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Có thể thấy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một tín hiệu “khởi sắc” khi tạo ra nguồn thu nhập cho người dân vùng cao huyện Nam Giang trong việc tham gia bảo vệ rừng thông qua hình thức giao đất, giao rừng của Nhà nước và nhận khoán quản lý. Việc bảo vệ rừng từ các đơn vị chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn của các xã, thị trấn góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, từ đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư thôn ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam.